Các bằng chứng ngôn ngữ Nguồn gốc người Việt

Ngôn ngữ có vai trò thiết yếu trong việc phân loại các tộc người và theo dõi sự tiến hóa của các nhóm cư dân gần gũi nhau về mặt nhân chủng, được khẳng định là bằng chứng chỉ đứng sau di truyền học bởi những nhà nghiên cứu hàng đầu như L. Cavalli-Sforza[23]. Nó xác định các dân tộc có điểm chung trong ngôn ngữ thì trong quá trình phát triển đã từng chia sẻ không gian chung nào đó.

Dấu hiệu ngôn ngữ trong tiếng Hoa

Một số nhà nhân chủng ngôn ngữ học đã xác định "một số từ Trung Quốc có gốc rễ từ các từ Việt cổ", như "giang" (江) có nghĩa là sông (như trong Dương Tử Giang). 越, 粵, 鉞 trong chữ Hán cổ đều có âm là "việt" và cùng nghĩa có thể thay thế lẫn nhau được. Ngày nay 鉞, "lưỡi rìu dùng trong nghi lễ" và có thể tìm thấy rất nhiều ở Hàng Châu, Chiết Giang, là một phát minh của phương Nam; 粵 là tên gọi tắt cho tỉnh Quảng Đông; còn 越 chỉ Việt (Việt Nam) hoặc khu vực bắc Chiết Giang bao quanh Thiệu HưngNinh Ba. Các tên gọi có thể có nguồn gốc phương Nam như Thần Nông, Nữ Oa vì không theo ngữ pháp tiếng Hoa.

Những biểu hiện này được các nhà nghiên cứu nói trên coi là bằng chứng về lãnh thổ Việt cổ ở phương bắc, cũng như để truy tìm cội nguồn dân tộc. Tuy nhiên nó không có tiếng vọng tới các nghiên cứu và văn liệu quốc tế. Nó thể hiện có các điểm yếu:

  • Quá trình bành trướng và đồng hóa của người Hoa về phương nam được sử sách Trung Quốc ghi chép, gọi tên vùng là "Bách Việt", và tiếng nói của vùng là tiếng Hoa theo phát âm địa phương và hiện được gọi là "Việt ngữ" (Yue Chinese) mà ở Việt Nam gọi là tiếng Quảng Đông. Trong quá trình bành trướng thì một số từ ngữ hay địa danh được giữ nguyên và sử dụng. Các nghiên cứu của Chu J.Y.[17] cũng xác nhận giữa người Hán nam với người Hán bắc có sự khác nhau về một số gen.
  • Việc coi Bách Việt là cương vực của người Việt cổ thì là chủ đề tranh cãi, vì rằng vùng này vốn có nhiều sắc dân thuộc các ngữ hệ phương nam khác nhau sinh sống, người Âu Việt hay Lạc Việt chỉ là một bộ phận.
  • Ý tưởng nghiên cứu xác định bằng chứng về cương vực Việt cổ theo truyền thuyết "phía bắc giáp hồ Động Đình" thì bất khả thi, đơn giản là cư dân ở hồ Động Đình đã Hán hóa không ủng hộ nữa.

Dấu hiệu từ quá trình phát triển của tiếng Việt

Tiếng Việt đã được các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước xác định là thuộc ngữ chi Việt (Vietic)[24] cùng với tiếng Mường và tiếng của một số sắc dân thiểu số Nguồn, Chứt (Cheut), Pọng ở dãy núi Trường Sơn hay Thaveung (Aheu), Arem, Maleng,... ở trung & nam Lào, thuộc khối Việt-Katu của Nhóm ngôn ngữ Môn-Khmer, trong ngữ hệ Nam Á (Austro-Asiatic Languages), cũng như tiến trình phát triển và phân nhánh ngôn ngữ:

Austro-Asiatic → Đông Môn-Khmer → proto Việt-Katu → proto Việt Chứt → Việt Mường chung (thời các vua Hùng) → Phân tách Việt Mường (Tk 12).

Quá trình phân tách tiếng Việt với tiếng Mường diễn ra từ Tk 7-8 và kết thúc ở Tk 12 (thời nhà Lý). Sự phân tách người Kinh khỏi khối Việt-Mường được xác định là do ảnh hưởng của quá trình Hán hóa cả về ngôn ngữ và di truyền xảy ra trong thời kỳ Bắc thuộc. Nó cho thấy nghiên cứu sinh học phân tử ở người Kinh dễ bị lỗi nếu không chọn được cách lấy mẫu phù hợp. Các luận bàn về ngôn ngữ được nêu ở một đoạn ở bài của Bùi Xuân Đính.[25]

Tiến trình này cho thấy nguồn gốc các dân tộc Việt cổ gắn với sự phát tán đông tiến của các dân tộc Nam Á, đặc biệt là nhóm Môn-Khmer, và là phù hợp với bằng chứng sinh học phân tử và thuyết "từ châu Phi". Trong quá trình đông tiến này, phần lớn dân nhóm Môn-Khmer tiến đến trung phần bán đảo Đông Dương. Riêng các thị tộc "proto Việt Chứt" đã hình thành ở đâu đó, rồi sau đó, bộ phận tiến đến vùng Bắc Việt ngày nay hình thành ra người Việt Mường cổ, còn các thị tộc tổ tiên của người Thaveung (Aheu), Arem, Maleng,... dừng lại ở trung & nam Lào, còn người Nguồn, Chứt (Cheut), Pọng thì đến dãy núi Trường Sơn, Quảng Bình.

Tuy nhiên việc lắp ráp thời gian, địa điểm và bằng chứng trực tiếp về các sự kiện thì chưa giải được. Đó là do "giới hạn hiện hành của các phương pháp ngữ học khi truy ngược về quá khứ là 9.000 năm". Trong khi đó các động vật có vú sống theo dạng xã hội đàn nhỏ, như họ cá heo, linh cẩu, tinh tinh,... đã có bộ tín hiệu âm thanh với vốn trăm từ để giao tiếp và phân biệt đàn với nhau, còn người tiền sử thì đã có khả năng ngôn ngữ từ 200 Ka BP, thể hiện ở giải phẫu xương hàm (xem: Thời tiền sử/ Thời đại đồ đá cũ giữa). Sự phân dị ngôn ngữ đã bắt đầu từ 100 Ka BP[26]. Các hành vi hiện đại gồm ngôn ngữ và sự nhận thức tinh vi xuất hiện vào cỡ 50 Ka BP. Điều này cho thấy vào lúc hình thành các ngữ hệ thì các nhóm chủ nhân tương ứng, đã cư trú ở các lãnh thổ tách biệt nhau, xa hay gần tùy theo sự khác nhau của ngữ hệ. (Xem: Nguồn gốc ngôn ngữ) Sau này khi đông tiến diễn ra, các thị tộc phát tán theo lựa chọn của riêng họ, thì các cư dân thuộc ngữ hệ khác nhau mới sống xen kẽ nhau giống như hiện nay. Sự tương tác giữa các ngôn ngữ cũng đã diễn ra theo cả hai hướng:

  • Các thị tộc "cởi mở' dễ dàng tiếp nhận và vay mượn từ ngữ, cao nhất là đổi sang sử dụng ngôn ngữ phổ biến của vùng cư trú (hiện tượng cùng ngôn ngữ khác nhân chủng).
  • Các thị tộc/bộ lạc bảo thủ, không chấp nhận sự xâm nhập của kẻ lạ, và ngôn ngữ là dấu hiệu hàng đầu để phân biệt.

Tính bảo thủ trong ngôn ngữ lẫn phong tục dẫn đến ở phương đông có hàng ngàn ngôn ngữ/dân tộc khác nhau, trong đó có ngôn ngữ chỉ có vài trăm người nói (đang bị mai một do toàn cầu hóa). Bảo thủ ở mức cực đoan là các bộ lạc người Negrito hiện đang sống biệt lập, sẵn sàng giết những người xâm nhập, như ở Papua New Guinea, hay người Sentinelquần đảo Andaman.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Nguồn gốc người Việt http://opinion.jrj.com.cn/2014/06/19090217440458.s... http://www.britannica.com/EBchecked/topic/628349 http://chinhnghia.com/nguongocnguoiviet-dokiencuon... http://www.taipeitimes.com/News/feat/archives/2004... http://email.eva.mpg.de/~gil/ismil/6/abstracts/and... http://vietsciences.free.fr/vietnam/sudia/nguongoc... http://vietsciences.free.fr/vietnam/sudia/vanminhc... http://www.jogg.info/41/Wiik1.pdf http://www.isogg.org/tree/ISOGG_HapgrpO07.html http://www.pnas.org/content/103/25/9578.abstract